Dự thảo Báo cáo tự đánh giá Kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trường Trung học cơ sở (THCS) Ngô Mây nằm trên địa bàn Phường Thiện An; Thiện An là một phường mới được thành lập năm 2008 cách trung tâm thị xã Buôn Hồ 3 km về phía Bắc, có diện tích tự nhiên là trên 849 ha.

Phường Thiện An nằm ở phía nam thị xã Buôn Hồ, phía Đông giáp huyện Krông Năng, phía Bắc giáp huyện Krông Búk, phía tây giáp huyện Cư Mgar

Trong những năm qua địa phương luôn được đầu tư về cơ sở hạ tầng ở các cụm dân cư, đời sống nhân dân đa số là cán bộ viên chức của nhà nước hoặc nghỉ hưu, một bộ phận làm nghề tiểu thương, đời sống nhân dân đảm bảo.

Với cơ cấu kinh tế “Dịch vụ – Thương mại, Nông nghiệp  – Tiểu thủ công nghiệp” Hoạt động dịch vụ – du lịch phát triển nhanh, trên địa bàn phường có nhiều cơ sở lưu trú trong dân được mở ra, các hộ kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ khác cũng được phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập trong nhân dân.

Về Văn hoá – Xã hội: Luôn được chính quyền địa phương quan tâm chú trọng, phường đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học, chống mù chữ;  PCGD mần non 5 tuổi và PCGD bậc THCS hằng năm đạt ở mức độ 2. Trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo lớn; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1; tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 hằng năm luôn đạt tỷ lệ 100%. Các trường mầm non, tiểu học, THCS đều đạt chuẩn Quốc gia.

 Trường THCS Ngô Mây được thành lập năm 2009, đến nay nhà trường đã trải qua 11 năm xây dựng và trưởng thành. Với mục tiêu bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, từ khi đi vào hoạt động nhà trường luôn chú trọng đầu tư về chuyên môn, đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, trách nhiệm trong công việc. Học sinh năng động, sáng tạo. Trong 11 năm qua, Trường THCS Ngô Mây luôn đứng trong Top 7 trường có số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi các cáp nhiều nhất thị xã. Tỉ lệ học sinh vào THPT hàng năm luôn đạt trên 85%. Công tác hợp tác phát triển với các đơn vị trường bạn được tăng cường tạo cơ hội học sinh giao lưu học hỏi, mở rộng hiểu biết. Mỗi năm, số học sinh của nhà trường đi tham gia các hội thi giao lưu Olympic tiếng Anh được nâng cao. Với kết quả đạt được, trường THCS Ngô Mây đã được tặng cờ thi đua của UBND tỉnh Đắk Lăk năm 2015.

Về Văn hoá – Xã hội: Luôn được chính quyền địa phương quan tâm chú trọng, phường đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học, chống mù chữ;  PCGD mần non 5 tuổi và PCGD bậc THCS hằng năm đạt ở mức độ 3. Trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo lớn; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1; tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 hằng năm luôn đạt tỷ lệ 100%. Các trường mầm non, tiểu học, THCS đều đạt chuẩn Quốc gia.

Với đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, cùng những thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển trường THCS Ngô Mây luôn là đơn vị dẫn đầu của Ngành Giáo dục thị xã Buôn Hồ, đồng thời khẳng định được vị thế của một trường trọng điểm trong trung tâm thị xã Buôn Hồ.

Bên cạnh công tác giảng dạy và học tập văn hoá, nhà trường còn chú trọng tới hoạt động TDTT, văn hóa văn nghệ của học sinh. Trong các kì HKPĐ, trong các cuộc thi thể thao, văn hóa văn nghệ của ngành, của tỉnh nhà trường luôn giành được những vị trí cao.

 Quy mô lớp học của nhà trường đã phát triển và hoàn thiện theo từng giai đoạn. Từ khi thành lập đến nay trường luôn giữ ổn định 12 lớp: 3 lớp 6; 3 lớp 7; 3 lớp 8; 3 lớp 9.

 Công tác quản lý chất lượng trong những năm qua luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo nhà trường và được tổ chức thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả. Nhà trường đảm bảo thực hiện đúng, đủ kế hoạch thời gian năm học và nội dung chương trình giáo dục theo quy định của Bộ; việc đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá được đẩy mạnh; bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đổi mới phương pháp dạy học và quản lý cũng được chú trọng thực hiện có hiệu quả. Do đó đã tạo nên những chuyển biến khá mạnh mẽ: số học sinh bỏ học giảm dần qua từng năm học; tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng, học sinh giỏi và học sinh tiên tiến hàng năm đều tăng vượt chỉ tiêu của trường chuẩn Quốc gia. Trong nhiều năm liền, nhà trường luôn có học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh, các phong trào thi đua, phong trào thể dục, thể thao luôn đạt được thứ hạng cao trong thành phố. Việc giáo dục đạo đức học sinh cũng được đặc biệt quan tâm; nhà trường chủ trương giáo dục hạnh kiểm học sinh thông qua thái độ tận tụy với nghề, tình thương yêu và tôn trọng học sinh của người thầy, kết hợp với nội dung phong trào thi đua xây dựng trường học hạnh phúc. Bên cạnh đó, việc quản lý nền nếp học sinh được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ bởi đội ngũ các thầy cô có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, có uy tín đối với học sinh và cha mẹ học sinh (CMHS), hằng năm học sinh được xếp loại hạnh kiểm khá, tốt trên 99%.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ cũng được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Cùng với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về  “Xây dựng, nâng cao chất  lượng đội  ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo  dục” và các cuộc vận động của ngành, nhà trường còn khuyến khích và tạo điều kiện cho CBGVNV nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức như tự học, dự các lớp tập huấn ngắn ngày, hoặc tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, dự giờ, sinh hoạt tổ chuyên môn. Nhiệm vụ của từng thành viên trong nhà trường đều được quy chế hóa bằng văn bản và công khai để mọi người giám sát, giúp đỡ nhau trong công việc, từ đó đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ và gắn bó với nghề.

Về quản lý tài chính tài sản, nhà trường thực hiện nghiêm túc theo các văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước. Tất cả các nguồn tài chính, tài sản được quản lý, sử dụng một cách hiệu quả, đúng mục đích, theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, đúng Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý tài sản công.

 Thuận lợi cơ bản của nhà trường là có hệ thống CSVC khá đầy đủ khang trang với trang thiết bị tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu dạy học và các hoạt động giáo dục. Đội ngũ giáo viên đa số trẻ, nhiệt tình, có trình độ đào tạo đạt chuẩn; lãnh đạo nhà trường có kinh nghiệm và sâu sát trong quản lý, điều hành. Khó khăn cần giải quyết hiện nay là trường còn khá nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ít quan tâm đến việc học tập của con cái, do đó ảnh hưởng không ít đến chất lượng giáo dục chung của nhà trường.

Trong 5 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo phòng GDĐT thị xã Buôn Hồ, sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ và lãnh đạo nhà trường, sự nỗ lực của đội ngũ CBGVNV và học sinh; Trường THCS Ngô Mây đã đạt được nhiều kết quả cao trong các hoạt động và phong trào thi đua của ngành; những thành tích điển hình là: phong trào ứng dụng CNTT được đẩy mạnh, tất cả giáo viên đều soạn giáo án vi tính, ứng dụng các phần mềm dạy học vào giảng dạy; phong trào học sinh giỏi luôn ở vị trí cao của Thị xã, có nhiều em thi đỗ vào trường THPT vượt chỉ tiêu được giao; phong trào thể dục thể thao là thế mạnh của nhà trường, nhiều năm liền được xếp vị thứ toàn đoàn nhất, nhì cấp thành thị xã và có nhiều học sinh đạt huy chương vàng, bạc, đồng cấp tỉnh; chi bộ luôn được công nhận chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ nhiều năm liền; Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh luôn giữ được danh hiệu Vững mạnh xuất sắc; từ năm học 2016-2017 đến nay nhà trường luôn dẫn đầu thi đua về công tác Đội và luôn đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giáo dục giữ một vị trí quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng một nền kinh tế tri thức. Bộ GDĐT đang triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo nhằm nhanh chóng tạo bước chuyển biến lớn về chất lượng giáo dục để góp phần thực thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

  1. Mục đích tự đánh giá

Kiểm định chất lượng giáo dục là xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn của cơ sở giáo dục phổ thông; Tự đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường nhằm tự xem xét, tự kiểm tra, xác định các điểm mạnh, chỉ ra điểm yếu của từng tiêu chí theo các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ GDĐT ban hành; thông báo công khai với các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục của nhà trường; đề ra những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu chung và chiến lược phát triển giáo dục của nhà trường.

            Với lý do trên, căn cứ vào Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT, ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ GDĐT ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn Quốc gia của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; công văn số 5932/BGDĐT-QLCL, ngày 28  tháng 12  năm 2018 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; cũng như xác định yêu cầu, gợi ý tìm minh chứng theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở cùng các văn bản chỉ đạo của Sở GDĐT Đắk Lắk và Phòng GDĐT thị xã Buôn Hồ, nhà trường tiến hành tổ chức thành lập Hội đồng tự đánh giá, xác định mục đích, phạm vị tự đánh giá, trên cơ sở đó nhà trường xây dựng kế hoạch tự đánh giá, tiến hành phân công thu thập và xử lý các thông tin, minh chứng, các thành viên trong từng tổ tổ chức đánh giá mức độ đạt được theo từng tiêu chí, phân công bộ phận hoàn chỉnh báo cáo tự đánh giá và công bố báo cáo tự đánh giá.

Tự đánh giá là một khâu quan trọng trong hoạt động kiểm định chất lượng. Đó là quá trình các nhà trường tự xem xét, nghiên cứu trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ GDĐT ban hành để báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, nhân lực, CSVC cũng như các vấn đề liên quan khác, từ đó, tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng.

Tự đánh giá không chỉ tạo cơ sở cho công tác đánh giá ngoài mà còn là cơ sở để trường cải tiến chất lượng, đồng thời thể hiện tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường trong toàn bộ hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của nhà trường.

Tự đánh giá còn là một khâu quan trọng trong việc lập kế hoạch nâng cao chất lượng dạy và học của trường. Tự đánh giá giúp trường rà soát, tự xem xét thực trạng của trường, từ đó điều chỉnh mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo, lập kế hoạch và hành động theo kế hoạch. Sau đó, lại tiếp tục rà soát, xem xét lại thực trạng và điều chỉnh mục tiêu theo hướng cao hơn.

  1. Tóm tắt quá trình và những vấn đề nổi bật trong hoạt động tự đánh giá

 Quy trình Tự đánh giá của trường THCS Ngô Mây gồm 7 bước được quy định tại Điều 23, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Gồm:

  1. Thành lập Hội đồng tự đánh giá
  2. Lập kế hoạch tự đánh giá
  3. Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng
  4. Đánh giá các mức đạt được theo từng tiêu chí
  5. Viết báo cáo tự đánh giá
  6. Công bố báo cáo tự đánh giá
  7. Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá

Từ năm học 2018-2019, nhà trường thực hiện quy trình tự đánh giá theo thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kì kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông; công văn số 5932/BGDĐT-QLCL ngày 28/12/2018 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông và các văn bản chỉ đạo của Sở GDĐT Đắk Lắk về công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Sau khi có các văn bản hướng tự đánh giá cơ sở giáo dục phổ thông theo bộ tiêu chuẩn ban hành kèm theo công văn số 5932/BGDĐT-QLCL, nhà trường đã ra các quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá và các nhóm công tác. Hội đồng tự đánh giá của nhà trường đã nghiên cứu các văn bản có liên quan, xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác tự đánh giá của đơn vị.

Hội đồng Tự đánh giá chất lượng giáo dục phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên theo chức năng, năng lực mỗi người để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các thành viên được phân công theo nhóm thu thập, xử lý, phân tích các thông tin, minh chứng, đánh giá mức độ đạt được theo từng tiêu chí. Nhóm thư ký có nhiệm vụ kiểm tra, chọn lọc, mã hóa các thông tin minh chứng giúp Chủ tịch Hội đồng rà soát, hoàn chỉnh các phiếu đánh giá và tập hợp thành báo cáo Tự đánh giá của nhà trường.

Đến tháng 3/2021 việc thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng được hoàn thiện, các nhóm công tác đã tiến hành viết phiếu đánh giá các tiêu chí để Hội đồng tự đánh giá công bố trước tập thể CBGVNV. Hội đồng tự đánh giá hoàn thiện báo cáo Tự đánh giá thông qua Hội đồng sư phạm và được chủ tịch Hội đồng phê duyệt, báo cáo được trình lên Sở GDĐT Đắk Lắk. Tiếp thu ý kiến nhận xét, góp ý của Sở GDĐT Đắk Lắk, phòng GDĐT thị xã Buôn Hồ. Hội đồng Tự đánh giá đã bổ sung, hoàn thiện báo cáo và nộp Sở GDĐT Đắk Lắk kiểm tra công nhận vào tháng 4/2021.

Những vấn đề nổi bật trong báo cáo Tự đánh giá: Báo cáo được trình bày lần lượt theo từng mức độ của từng tiêu chí của từng tiêu chuẩn. Mỗi tiêu chí đều mô tả rõ ràng, cụ thể hiện trạng của nhà trường. Sau khi mô tả hiện trạng, báo cáo Tự đánh giá còn đề cập tới những điểm mạnh, điểm yếu của nhà trường và đặc biệt một nội dung rất quan trọng, rất cần thiết trong mỗi tiêu chí đó là kế hoạch cải tiến, phát huy những điểm mạnh, đề ra các biện pháp khắc phục điểm yếu, tuy ngắn gọn nhưng rõ ràng và có tính khả thi.

Chi tiết xem tại File đính kèm TẠI ĐÂY